Trong Đông y, dạ cẩm là một loại thảo dược quý. Trong cây dạ cẩm có các thành phần có tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Nếu sử dụng các phương pháp điều chế cũng như chiết xuất đúng cách thì dạ cẩm còn có thể được coi là thuốc tiên để chữa các bệnh liên quan đến đường ruột hoặc đặc biệt là bệnh dạ dày. Ngoài ra cây dạ cẩm còn có khả năng giải nhiệt cơ thể, điều hòa độc tố rất tốt. Vì vậy, hãy tham khảo bài viết này để biết thông nhiều thông tin hữu ích hơn về các bài thuốc liên quan đến dạ cẩm nhé.
Nhận biết cây thuốc dạ cẩm
Cây dạ cẩm hay còn gọi là cây loét mồm (Hedyotis capitellata Wall. exg. Don). Dạ cẩm thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Là loại cây bụi, leo bằng thân quấn, lúc non cành có bốn cạnh; sau tròn, phình to ở những đốt. Lá mọc đối hình bầu dục hoặc hình trứng. Thân cây có thể có lông hoặc không lông. Có thể có màu tím, hoặc màu xanh, song về mặt thực vật, vẫn chỉ là một loài.
Dạ cẩm mọc hoang, phân bố rất rộng ở nhiều vùng núi và trung du với độ cao đến 1000 m của các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang; Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Giang…
Có thể thu hái quanh năm, tốt nhất là trước khi cây ra hoa. Khi đó dây rất mập, lá rất dày. Sau khi thu hái, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô. Trước khi dùng, cắt đoạn 5 – 7cm, sao khô để dùng dưới dạng thuốc thang; nếu có số lượng lớn, hoặc có nhu cầu sử dụng nhiều, có thể tiến hành bào chế dạng cao mềm.
Dạ cẩm chứa alcaloid, ngoài ra còn có tanin và saponin. Ít ai biết rằng, loài cây mọc hoang ở các vùng núi và trung du và có cái tên “xấu xí” như cây loét mồm lại là một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Trong y học cổ truyền, cây loét mồm có tên là cây dạ cẩm.
Tác dụng của dạ cẩm
Theo Y học cổ truyền, dạ cẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; giảm đau, tiêu viêm, lợi tiểu. Trên thực tế lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng làm giảm các cơn đau và có tác dụng trung hòa a xít trong dạ dày. Làm bớt ợ hơi, ợ chua, làm cho vết loét nhanh lành lại và nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho người bệnh. Dạ cẩm dược liệu được bào chế từ toàn bộ cây thuốc. Bao gồm lá, ngọn non, hoa và rễ cây. Tuy nhiên, rễ cây ít dược tính hơn nên ít sử dụng để bào chế thuốc hơn.
Các cách sử dụng cây dạ cẩm
Có 3 cách dùng cây dạ cẩm. Bao gồm dùng cây tươi, phơi sấy khô hoặc làm cao mềm. Dùng tươi: Thường chỉ dùng phần mọc trên mặt đất, rửa sạch bụi đất, tạp chất và dùng ngay. Phơi hoặc sấy khô: Cây dạ cẩm thu hoạch được, cắt thành đoạn dài khoảng 5cm. Đem sao vàng hạ thổ, phơi khô hoặc sấy khô dùng dần.
Cao dạ cẩm: Thu hoạch dạ cẩm số lượng lớn, rửa sạch, cắt thành đoạn và đem phơi khô. Dùng 7kg lá khô nấu lấy nước lá (lượng nước gấp 4 lần lượng cây thuốc), đun khoảng 6 tiếng cho đến khi nước thuốc cô cạn lại được 8kg cao. Cho 2kg đường vào cao và đánh tan, cuối cùng cho thêm 1kg mật ong để chế biến thành cao mềm. Thành phẩm cao mềm sánh đặc, hàm lượng nước khoảng 20%, màu nâu đen, hơi đắng, bảo quản kín để dùng dần.
Một số bài thuốc dùng dạ cẩm
Trị các chứng lở loét niêm mạc miệng, lưỡi, viêm loét họng: lấy lá và ngọn non dạ cẩm, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cho uống hoặc lấy dịch bôi vào vết lở loét; hoặc lấy khoảng 12 – 25g lá dạ cẩm sắc, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn, hoặc đem dạ cẩm nấu thành cao lỏng 1:1, thêm chút mật ong, bôi vào nơi bị lở loét.
Trị đau dạ dày, tá tràng, ợ chua: cao lỏng dạ cẩm thêm mật ong đủ ngọt, với liều tương đương 10 – 25g ngày, chia 2 – 3 lần uống trước bữa ăn; hoặc lấy 5 – 7g cao mềm dạ cẩm hòa với nước sôi để nguội, thêm mật ong đủ ngọt, uống liền 3 – 4 tuần lễ. Cũng có thể bào chế dưới dạng cốm dạ cẩm, ngày uống 2 lần trước bữa ăn.