Chăm sóc con trong giai đoạn sơ sinh là một điều không hề đơn giản. Đây là giai đoạn bé vừa mới lọt lòng, rất dễ bị tổn thương bởi những tác động nhỏ nhất bên ngoài. Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn rất non nớt, sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh. Những bệnh trẻ sơ sinh thường gặp đa phần là các bệnh về đường hô hấp. Phần lớn các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng bố mẹ cần nhận biết và chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Cảm lạnh
- Triệu chứng: Thở khó, khò khè, thường xuyên hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi.
- Nguyên nhân: Cảm lạnh, dị ứng do thời tiết hoặc virus, bụi bẩn.
- Điều trị: Vệ sinh sạch sẽ và mặc đủ ấm cho trẻ. Xoa dầu em bé vào lòng bàn chân, cho trẻ bú mẹ nhiều. Nếu có dịch mũi cần phải hút sạch, để trẻ nằm cao đầu khi ngủ để tránh nước mũi chảy ngược vào trong.
Nhiễm trùng đường hô hấp
- Triệu chứng: Sốt, ho, sổ / nghẹt mũi, khò khè. Nếu nặng có thể thở gấp, sốt cao, co giật, tím tái.
- Nguyên nhân: Do nhiễm lạnh, ô nhiễm không khí hoặc bị lây nhiễm từ người khác.
- Điều trị: Cho bé bú mẹ và đưa đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc.
Viêm phổi
Không chỉ là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, viêm phổi còn là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
- Biểu hiện: Không có dấu hiệu đặc biệt ở giai đoạn đầu. Về sau trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sốt hoặc hạ thân nhiệt dù đã ủ ấm, li bì, thở nhanh hoặc khó thở.
- Cách phòng bệnh: Giữ ấm cho bé, bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng, giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
- Điều trị: Chống suy hô hấp và chống nhiễm trùng tùy theo mức độ suy thở tại bệnh viện.
Vàng da
Căn bệnh vàng da thường gặp ở trẻ sơ sinh này được chia thành 2 loại:
- Vàng da sinh lý
Vàng da ở mặt, ngực, tay và chân 2 – 3 ngày sau sinh, phân cũng vàng, nhưng trẻ vẫn bú và ngủ tốt. Nguyên nhân thường là do tích tụ quá nhiều bilirubin hơn mức cơ thể đào thải. Vàng da sinh lý rất phổ biến, gặp ở hầu hết các trẻ sơ sinh.
- Vàng da bệnh lý
Tăng nhiều vùng da bị vàng, bé đi phân bạc màu, có thể kèm lá lách to. Các nguyên nhân khác nhau bao gồm: tán huyết, bệnh gan, tắc mật, nhiễm trùng. Nếu tình trạng vàng da bệnh lý không chấm dứt sau 3 ngày thì phải đưa trẻ đến bệnh viện.
Mụn sữa
- Triệu chứng: Hiếm gặp ở trẻ vừa chào đời, nhưng sẽ xuất hiện vài tuần sau đó. Mụn nhỏ mọc nhiều ở má, trán, cằm và lưng, vùng da xung quanh tấy đỏ. Mụn tăng khi cơ thể bé nóng hoặc tiếp xúc với nước dãi, hóa chất;
- Nguyên nhân: Do da trẻ mỏng và yếu, ảnh hưởng từ các hormone của mẹ hoặc hội chứng phì đại tuyến bã.
Lưu ý khi chăm sóc bé sơ sinh để phòng ngừa bé bị bệnh
Cách cho con bú
Sữa non là thức ăn chính và tốt nhất cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này, bởi lượng kháng thể IgA trong sữa non cao gấp nghìn lần so với sữa thường, và có nhiều bạch cầu giúp tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột và phòng bệnh viêm phổi. Để hạn chế trẻ bị ọc sữa, hãy bế đứng trẻ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng trẻ sau khi cho trẻ bú. Khi ngủ nên cho trẻ nằm đầu cao hơn một chút hoặc nằm nghiêng để giảm nguy cơ hít sặc, tuyệt đối không được để trẻ nằm sấp khi ngủ.
Vệ sinh thân thể cho bé
Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng sơ sinh qua đường rốn, do đó sau khi tắm cho trẻ xong, hãy vệ sinh rốn bằng nước muối sinh lý và lau khô, tuyệt đối không bôi bất kỳ chất gì lên rốn của trẻ, nếu muốn mau rụng rốn thì hãy để cho rốn thông thoáng, không nên băng kín lại. Lựa chọn loại xà phòng tắm chuyên dùng cho trẻ sơ sinh với thành phần tự nhiên và phải nhớ lau khô cho trẻ rồi mới mặc quần áo. Nếu thời tiết mùa đông thì không nhất thiết phải tắm cho trẻ hàng ngày. Nơi tắm cho trẻ phải kín, tránh gió lùa.
Đảm bảo giữ ấm cơ thể
Khi bế trẻ ra ngoài nên đội mũ cho trẻ. Khi ở trong nhà thì hãy để đầu bé được thông thoáng. Không nên quấn tã cho bé chặt quá vì sẽ ảnh hưởng đến khớp háng của trẻ. Đồng thời gây ẩm vùng bẹn mông, gây hăm da, khó chịu, khiến trẻ quấy khóc khó ngủ ngon giấc. Đồng thời, khi mắt trẻ bị chảy nước mắt và ghèn nhiều trong những ngày đầu sau khi chào đời thì vệ sinh mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý trẻ em hàng ngày.
Bình thường, ngày đầu sau khi chào đời, trẻ đi ngoài phân su (phân có màu xanh thẫm, đặc quánh, không mùi…). Nếu quá 2 ngày mà không thấy trẻ đi ngoài phân su, giảm cân hay vàng da, thường xuyên bị sặc khi bú, khó thở, tím tái, cứng hàm, khóc nhiều, ngủ li bì là biểu hiện không bình thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe để có hướng xử lý kịp thời.