Sốt co giật ở trẻ nhỏ: cách phòng ngừa và sơ cứu đúng đắn
4 phút, 44 giây để đọc.
Trong tất cả những “cửa ải” gian khổ trong suốt hành trình làm mẹ, trẻ em bị sốt có lẽ chính là một trong những nỗi sợ lớn nhất khi các mẹ chăm sóc con nhỏ. Sốt ở trẻ em thường đến rất đột ngột, nhưng cũng rất dễ chuyển nặng nếu như không kịp thời can thiệp các biện pháp hạ sốt. Trẻ em khi sốt quá cao sẽ gây ra rất nhiều hiện tượng khác, nhất là co giật. Co giật là một biến chứng thường gặp ở trẻ bị sốt cao trên 39°C. Trẻ nhỏ khi bị co giật thường có những dấu hiệu khiến bố mẹ lo lắng như hai mắt trợn ngược, tay chân co cứng, sùi bọt mép… Đây là hiện tượng rất nguy hiểm và phụ huynh nên biết những kiến thức nhất định để bảo vệ sức khỏe của con lúc này.

Trẻ bị sốt co giật

Sốt cao co giật (SCCG) là hiện tượng co giật liên quan đến sốt nhưng không có bằng chứng của nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc một nguyên nhân khác đã xác định như rối loạn chuyển hoá hay động kinh trước đó không do sốt.

Trẻ bị sốt co giật

  • Thường sốt cao trên 39 o C;
  • Mất hay giảm ý thức và sùi bọt mép;
  • Tay và chân gồng cứng, sau đó bắt đầu co giật;
  • Hai mắt nhìn ngược.

Có 2 thể co giật do sốt: Loại đơn giản và loại phức tạp.

Cách sơ cứu khi trẻ bị co giật

Bước 1:

  • Đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát; tránh các vật cứng, vật sắc nhọn;
  • Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh trường hợp trẻ nôn, chất nôn sẽ đi vào đường hô hấp do trẻ hít phải;
  • Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo;
  • Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ.

Bước 2:

  • Đặt viên hạ sốt vào hậu môn do trẻ đang co giật uống rất khó và dễ gây sặc. Dùng hàm lượng paracetamol thông thường mà bé hay dùng hoặc với liều lượng là 10-15mg/kg cân nặng.

Bước 3:

  • Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt sạch nước và lau khắp người trẻ, đặc biệt vùng bẹn, nách, lau đi lau lại liên tục cho đến khi trẻ hết cơn co giật thì dừng lại.

Bước 4:

  • Khi trẻ ngưng cơn co giật vẫn để trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi ngửa ra sau (tư thế an toàn) để nếu trẻ có nôn chất nôn sẽ đi ra ngoài mà không đi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn đường hô hấp, nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Bước 5:

  • Nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị sớm phòng tránh cơn co giật tái phát

Một số biện pháp phòng ngừa sốt cao co giật

Một số biện pháp phòng ngừa sốt cao co giật

  • Khi trẻ có biểu hiện sốt, đưa trẻ đi khám để điều trị sớm, phát hiện nguyên nhân gây sốt và phòng tránh bị co giật;
  • Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn; uống nước điện giải (oresol), nước cam, chanh để bù nước và tăng sức đề kháng cho trẻ;
  • Cởi bớt quần áo, mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm hoặc bọc kín trẻ;
  • Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, sạch sẽ;
  • Theo dõi thân nhiệt bé thường xuyên bằng cách cặp nhiệt độ;
  • Lau người cho trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 38,5 độ C;
  • Cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng dễ ăn: cháo, sữa… hoặc các món bé thích ăn để hồi phục sức khỏe;

Trường hợp trẻ sinh ra đã yếu và suy dinh dưỡng thì càng nên phải chú ý. Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống hợp lý. Bổ sung các thực phẩm để cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho bé. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn cho trẻ.

Khi chăm sóc bé sốt cao nên tránh những điều gì?

  • Tuyệt đối không nên ủ ấm cho bé vì khi sốt, nhiệt độ cơ thể khá cao. Nếu ba mẹ mặc nhiều quần áo cho con sẽ vô tình khiến thân nhiệt tăng cao hơn.
  • Không được dùng nước lạnh hoặc nước đá để lau người cho bé khi bị sốt vì dễ bít lỗ chân lông, khiến thân nhiệt không thoát ra ngoài được.
  • Không nên làm theo những bài thuốc dân gian như vắt chanh vào miệng khi con lên cơn sốt.
  • Khi lau người cho bé, chỉ nên sử dụng nước ấm, tuyệt đối không pha thêm rượu hoặc bất kỳ loại nước uống có cồn khác vào.
  • Một số phụ huynh lo lắng trước tình trạng con sốt quá cao. Thế nên sử dụng nhiều phương pháp hạ sốt cùng một lúc. Chẳng hạn cho uống thuốc hạ sốt và thuốc nhét hậu môn trong cùng một thời điểm. Sự kết hợp này có thể vượt quá liều lượng cho phép. Nó để lại những tác dụng phụ không mong muốn.
  • Đối với trường hợp bé sốt cao quá dẫn đến co giật, tuyệt đối không được vỗ vào người hoặc giật tóc bé. Những lực tác động bên ngoài có thể khiến cơ thể của con bị kích thích và kéo dài thời gian cơn co giật, gây nguy hiểm.
  • Không cho bé uống Aspirin để hạ sốt vì nguy cơ con bị tổn thương não rất cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!